Dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ của con người. Vì vậy, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Sau đây là 8 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý được khuyến cáo bảo vệ và tăng cường sức khỏe.
1. Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: Chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
2. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ. Chất đạm có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển. Chất đạm từ nguồn động vật có: thịt, cá, trứng, tôm, cua…; từ nguồn thực vật có: các loại đậu đỗ (đậu Hà Lan…). Trong khẩu phần ăn cần chú trọng tới chất đạm, tuy nhiên, phải cân đối giữa chất đạm nguồn động vật và thực vật. Mặt khác, về đạm động vật, nên chọn ưu tiên mua tôm, cua, cá sẽ nhiều ưu điểm hơn thịt gia súc, gia cầm.
3. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng, lạc. Trong khẩu phần ăn, chất béo nên sử dụng ở mức độ vừa phải. Hiện nay nhiều người tẩy chay mỡ động vật và chỉ dùng dầu thực vật, như vậy cũng không tốt, cần ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý và nên ăn vừng, lạc (mè, đậu phộng).
4. Nên sử dụng muối i-ốt, không ăn mặn. Nhiều người có thói quen ăn mặn sẽ có nguy cơ về các bệnh tim mạch, thận… Vậy nên cần rèn thói quen không ăn mặn sẽ tốt cho sức khỏe. Mặt khác, thiếu i-ốt sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề như: Trẻ đần độn, kém phát triển; phụ nữ mang thai có thể sảy thai, đẻ non; nhiều người bị bệnh bướu cổ do thiếu i-ốt.
5. Cần ăn rau quả hàng ngày. Rau, củ, quả các loại là nguồn thực phẩm quan trọng cung cấp nhóm chất vitamin, chất khoáng, chất xơ. Nhóm chất này tuy yêu cầu về lượng không lớn như các nhóm chất khác nhưng lại có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Vì vậy, trong khẩu phần ăn cần chú trọng nhóm chất này, kể cả ăn tráng miệng, nước ép hoa quả…
6. Bảo đảm an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm. Người tiêu dùng cần biết chọn mua thực phẩm an toàn, đặt niềm tin vào các địa chỉ tin cậy, nói không với các thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh. Cần chú ý sử dụng nước sạch để chế biến thức ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi từ lựa chọn, chế biến, sử dụng và bảo quản thực phẩm.
7. Uống đủ nước sạch hàng ngày. Một người lớn trung bình một ngày cần uống khoảng 2 lít nước. Tuy vậy, phải uống nước đun sôi, không nên uống nước lã, nước đá.
8. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt. Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Đồ ngọt, nước có ga cũng được khuyến cáo là nên hạn chế, phòng ngừa nhóm bệnh béo phì, tiểu đường, răng miệng…
Mọi người nên chú ý duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, cần có lối sống lành mạnh, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, thể dục, thể thao đều đặn, phù hợp với lứa tuổi.
(Theo tài liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia)