Ăn ngon và khỏe là tiêu chí của bữa ăn gia đình thời hiện đại. Và những loại thực phẩm như đậu lăng, cá hồi, măng tây… được ví như những “liều thuốc bổ” rất tốt cho cơ thể vì chứa nhiều chất xơ, omega-3, prebiotic. Vì vậy, bổ sung những thực phẩm này trong các bữa ăn hàng ngày sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa, giảm huyết áp và ngăn ngừa nhiều bệnh.
Măng tây
Các chuyên gia cho rằng, chất prebiotic sẽ là chất dinh dưỡng được ưu tiên hàng đầu trong năm 2014. Prebiotic giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa và tăng cường hệ thống miễn dịch. Măng tây được xem là thực phẩm có nhiều chất prebiotic. Để đạt được hiểu quả tốt nhất, bạn nên ăn măng tây nguyên chất, hoặc chế biến đơn giản như luộc hoặc xắt lát mỏng cho vào món trứng và salad.
Chuối
Kết hợp probiotic và prebiotic sẽ tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa. Những lát chuối (prebiotic) ăn kèm với sữa chua (probiotic) sẽ là món ăn bổ dưỡng. Bạn cũng có thể kết hợp thêm mật ong hoặc xi-rô. Khi chọn chuối, bạn nên chọn quả chín vừa, vì tinh bột được chuyển hóa trong những quả chuối chín muồi sẽ làm giảm dinh dưỡng.
Cá hồi
Nhà dinh dưỡng thể thao Ruth Carey khuyên nên ăn nhiều cá hồi, vì chúng có hàm lượng axit béo Omega-3 cao có lợi cho sức khỏe, giúp giảm cao huyết áp, máu khó đông và nguy cơ bệnh tim. Cá hồi cũng chứa astaxanthin carotene- chất chống oxy hóa có khả năng kháng viêm mạnh. Bạn có thể nướng hoặc rim cá hồi.
Lúa mạch
Lúa mạch là nguồn chất xơ hòa tan dồi dào, có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, chúng cũng có chỉ số đường huyết thấp và lượng carbonhydrat cao. Lúa mạch ăn với ngũ cốc nóng vào buổi sang, hoặc cơm thập cẩm vào buổi tối. Loại lúa mạch này cũng dễ dàng kết hợp với các món nước súp để tăng trọng lượng và sức khỏe.
Hạt chia
Loại hạt này giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, chất béo omega-3, giúp ổn định lượng đường trong máu và cải thiện huyết áp. Hạt chia cũng tốt cho răng và xương nhờ các dưỡng chất canxi, mangan và photpho. Chúng thường được chế biến trong thức uống sinh tố và salad
Thịt bò
Trong khi hầu hết các loại thịt bò giàu nguồn vitamin B3, B6, B12, kẽm và sắt, thì thịt của những chú bò chỉ ăn cỏ dồi dào lượng vitamin E, magie, selen, chất béo omega-3, axit linoleic và chứa gấp đôi lượng beta-carotene và lutein.
Đậu lăng
Theo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng Palmer, hạt đậu lăng là thực phẩm hoàn hảo. Những hạt đậu nhỏ bé này có chứa chất xơ, folate, protein và có khả năng thay thế nguồn đạm thực vật có trong thịt. Một chén đậu lăng chứa nhiều protein hơn nửa cân thịt. Đậu lăng nấu rất nhanh, có thể chế biến với salad hoặc súp rau củ. Palmer khuyên bạn nên bổ sung đậu lăng vào chế độ dinh dưỡng ít nhất 3-4 bữa/ tuần.
Hạt rau dền
Nếu hạt diêm mạch được yêu thích trong năm 2013, thì hạt rau dền sẽ “lên ngôi” năm 2014 – Joy Bauer, chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe, tác giả quyển Food Cures cho biết. Hạt rau dền dồi dào nguồn chất xơ, có nhiều protein hơn các loại hạt khác và các khoáng chất như canxi, kẽm, magie và kali. Loại hạt không có chất gluten này dễ dàng nấu sôi trong nước khoảng 15-20 phút, sau đó xả sạch và thưởng thức. Bauer còn khuyên bạn nên chế biến chung với bánh pudding hoặc hầm súp.
Hạt bí ngô
Thực phẩm này chứa hàm lượng kẽm rất cao – chất đóng vai trò quan trọng trong miễn dịch và tái tạo da. Ngoài ra, chúng còn chứa magie, chống lại triệu chứng đau nửa đầu. Bauer cho biết thêm, hạt bí ngô còn cung cấp nguồn chất béo tốt cho tim mạch và chất xơ dồi dào. Bạn có thể thưởng thức chúng như một món ăn vặt hoặc rắc lên sữa chua hay bột yến mạch.
Theo báo Phụ nữ TP HCM